Không ít ngư dân Bình Định có tàu vỏ thép đứng ngồi không yên khi tàu phải nằm bờ kéo dài do hư hỏng. Trong khi đó, ngư dân lại đang chịu nhiều áp lực từ các khoản nợ.
Đó là những gì mà 18 chủ tàu vỏ thép tại Bình Định phải đối diện trong suốt những tháng qua.
Đầu tư gần 18 tỷ đồng và tiếp nhận tàu gần 1 năm nhưng chỉ đi được 2 – 5 chuyến biển, những tàu cá vỏ thép liên tục bị hư hỏng và nay phải đưa lên bờ. Suốt gần 1 tháng qua, chủ tàu bất đắc dĩ trở thành những thợ sửa chữa tàu vỏ thép.
40 năm gắn bó với nghề biển và cũng đã từng làm chủ của nhiều tàu vỏ gỗ, nhưng ước mơ của ông Lê Ngô Hát (chủ tàu vỏ thép BĐ – 99168, Bình Định) vẫn là có được con tàu vỏ thép. Nhưng từ khi nhận tàu vỏ thép đến nay, ông chẳng có ngày nào yên.
Trong 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng và được UBND tỉnh Bình Định kết luận là do Công ty Đóng tàu Nam Triệu và Đại Nguyên Dương làm sai hợp đồng, cho đến lúc này tất cả đều nằm bờ. Để đóng tàu vỏ thép, ngư dân phải vay từ 15 – 18 tỷ đồng, nhưng tàu bị hư hỏng nằm bờ là điều không dễ dàng với họ.
Một tàu vỏ thép cần 12 lao động và số tiền chủ tàu phải trả cho những lao động này trong mỗi chuyến ra khơi khoảng 20 ngày từ 120 – 150 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng, chủ tàu còn phải trả thêm tiền gốc và tiền lãi đã vay từ Nghị định 67 là hơn 110 triệu đồng. Tàu cá hư hỏng, không ra khơi, nhiều chủ tàu gần như rơi vào bế tắc.
Một người đàn ông từ chối trả lời mọi câu hỏi của phóng viên khi được hỏi: “Ông nghĩ gì về con tàu của mình lúc này?”. Khó khăn nhất với ông cũng như 17 ngư dân khác là những khoản nợ đã vay của ngân hàng. Đến hạn, ngân hàng buộc ngư dân phải trả cả nợ gốc và lãi theo quy định. Một số ngư dân không có khả năng trả nợ đã bị ngân hàng bắt đóng phạt.
Theo dự kiến, 18 tàu vỏ thép do công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đóng sẽ được tiến hành sửa chữa hoàn thành đến cuối tháng 8. Tức cũng đồng nghĩa, những con tàu vỏ thép này sẽ phải nằm bờ ít nhất 1 – 2 tháng. Đó là khoảng thời gian quá dài với ngư dân.