Trên cả nước có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo nghị định 67 bị hư hỏng. Cá tàu nằm bờ ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đời sống của ngư dân.
Sáng 29/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 – Những vấn đề cần đặt ra” do Bộ NN&PTNT, UBND TP Đà Nẵng và Báo Nông thôn Ngày nay/báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức với chủ đề chính: Làm gì để Nghị định 67 thời gian tới được vận hành trơn tru, xuyên suốt, đi đến từng người dân?
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho hơn 1.900/gần 2.300 tàu, trong đó đóng mới hơn 1.500.
Đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản – thông tin, trên cả nước có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo nghị định 67 bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản), trong đó Bình Định có 19 tàu, Phú Yên 2 tàu, Thanh Hóa 18 tàu, Quảng Nam 1 tàu.
“Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép; tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục…”, ông Trung nói.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hàng trung ương Hội nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ngư dân Lê Văn Thãi (Bình Định), một trong những ngư dân bị thiệt hại do tàu hư hỏng – cho biết, anh muốn có được một con tàu hiện đại để vươn khơi. Tuy nhiên, nghị định 67 còn có nhiều vướng mắc.
Theo anh Thãi, ngân hàng nên cho ngư dân hợp đồng từng bộ phận khi đóng tàu. Ví dụ máy móc sẽ hợp đồng với một công ty, ngư lưới cụ sẽ hợp đồng với một công ty khác.
Anh Thãi cũng đề nghị ngân hàng nên giãn nợ cho các tàu nằm bờ do bị hư hỏng. Chứ nợ ngày càng chồng lên, ngư dân không còn tâm trí để vươn khơi.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hàng trung ương Hội nông dân Việt Nam – cho hay, sau 3 năm thực hiện nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Có thể nói, nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
“Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực… Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, ông Môn nói.
Ông Môn nêu 5 vấn đề cần tập trung tại hội thảo. Một là, đánh giá lại về chính sách đầu tư, hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão phải đồng bộ.
Hai là, chính sách tín dụng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao…
Ba là, về bảo hiểm tàu cá. Khai thác thủy hải sản xa bờ chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì thế việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng.
Bốn là, về thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra đóng mới tàu cá. Cần phải thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch về trách nhiệm của các bên để hạn chế tối đa sự cố nêu trên. Có nên đóng tàu vỏ sắt hay chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ?
Năm là, một số chính sách khác như đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành con tàu, hỗ trợ thiết bị đi biển dài ngày; thời gian đi biển như hiện nay đã hợp lý chưa?
Văn phòng đại diện nhà cung cấp phao túi khí -Công ty Thiết bị nặng Thuận Phát
Số hotline: 092 888 6368