5 ngư dân có tàu vỏ thép gỉ sét tại Bình Định đã ký với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương một hợp đồng “đen” chấp thuận việc cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt trên tàu.
Tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại Bình Định bị hư hỏng
Cũng theo đơn tường trình trước khi đưa tiền cho ngư dân, ông Lữ Xuân Nhân đã buộc các ngư dân phải viết đơn nhận số tiền 500 triệu đồng trên của công ty này; đưa ra lý do để làm bằng chứng vì sợ rằng ngư dân nhận tiền rồi lại “lật kèo” đi đóng tàu của đơn vị khác.
Biên bản kỳ lạ
Các ngư dân thông tin thêm, trong quá trình đóng tàu, ngư dân còn được doanh nghiệp “biếu” thêm 150 triệu đồng tiền nước, xe đón đưa, thuê nhà nghỉ… trong các chuyến ra Nam Định (trụ sở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) để giám sát tàu. Ngư dân Trần Minh Vương, chủ tàu vỏ thép BĐ 99027-TS, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) tường trình tiếp: Đến ngày 5-5-2016, 5 con tàu của ngư dân Bình Định đã được Công ty Đại Nguyên Dương đóng xong. Trước khi viết lệnh xuất xưởng, lãnh đạo công ty này đưa ra một tờ giấy đánh máy sẵn ghi là “Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện”, do ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký, yêu cầu các ngư dân ký vào thì mới viết lệnh xuất xưởng.
Với biên bản thỏa thuận trên, doanh nghiệp đã đánh tráo từ thép Hàn Quốc sang Trung Quốc, nhiều vị trí không đảm bảo thép cấp A, kém chất lượng dẫn đến hiện tượng gỉ sét sớm trên tàu; máy bảo ôn trong hệ thống bảo quản hầm lạnh đã bị thay thế bằng máy Trung Quốc (trong hợp đồng là máy của Ý hoặc Đức); tời và lưới thì doanh nghiệp để ngư dân tự trang bị, để trừ vào khoản tiền 650 triệu đồng đã vay trước đó (trong hợp đồng tời và lưới 250 triệu đồng).
Theo tường trình của ngư dân Trần Minh Vương, khi đọc xong biên bản thỏa thuận nói trên, các chủ tàu nhận thấy quá vô lý, đồng loạt phản đối cách làm của doanh nghiệp. “Thế nhưng ông giám đốc công ty nói rằng, nếu ngư dân không đồng ý ký vào biên bản thì họ sẽ không viết lệnh xuất xưởng và nhốt tàu lại, không cho hạ thủy. Vì bị gài vào bước đường cùng nên chúng tôi đã ký vào biên bản. Đến ngày 12-5-2016, doanh nghiệp mới ký lệnh xuất xưởng”, ngư dân Trần Minh Vương nói.
Đến thời điểm này, ngư dân đã gửi đơn tường trình lên chính quyền địa phương để mong tìm hướng giải quyết. Sáng 4-7, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để tìm hiểu sự tình nhưng không được. Trong khi đó, trả lời phóng viên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo nào về sự việc trên, tỉnh Bình Định sẽ làm rõ sự tình khi nhận được báo cáo cụ thể.